Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Không học, không thi nhưng vẫn có chứng chỉ.

Dẫn đầu: Thưa quý vị và các bạn! Câu chuyện mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để làm đẹp hồ sơ xin việc đã từng được phản ánh trên báo chí. Và cho đến thời điểm này, tình trạng này vẫn diễn ra. Các sinh viên ra trường, người tìm việc, vẫn có thể không mấy khó khăn để kiếm được một chứng chỉ ngành nghề mà không quá tốn kém, không mất nhiều thời gian. Vẫn biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khong ít tân cử nhân vẫn có tâm lý coi việc mua chứng chỉ là việc không có gì to tát. Phóng sự của CTV Lương Vững tại Hà Nội:
###Trong vai những sinh viên sắp ra trường có nhu cầu mua các loại chứng chỉ tin học, tiếng anh, chúng tôi tìm đến các trung tâm tin học, ngoại ngữ gần trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Khu vực này thường được nhiều người biết đến là một trong những chợ chứng chỉ có tiếng ở Hà Nội. Dạo quanh một vòng nhưng chúng tôi chẳng thấy bất kỳ một trung tâm hay địa chỉ nào làm chứng chỉ. Mạnh dạn hơn, chúng tôi bước vào một trung tâm có tên Công ty trách nhiệm hữu hạn giáo dục Hồng Đức. Trên tấm biển quảng cáo của công ty này có ghi rõ chuyên cung cấp dịch vụ gia sư, luyện thi đại học, tư vấn dạy miễn phí, tuyển sinh. Thế nhưng khi chúng tôi bày tỏ muốn mua chứng chỉ tiếng anh lẫn tin học vì mình sắp ra trường. Nhân viên tư vấn tên là Linh, nhanh nhảu tư vấn:
Băng: 200 nghìn một cái cả anh và tin. Nếu em làm hai cái thì là 300 nghìn. Em nộp cho chị hai ảnh 3x4 và một chứng minh thư photo.
Theo tìm hiểu giá của một chứng chỉ này từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Cũng theo lời tư vấn của nhân viên tên Linh, chỉ cần có hai ảnh 3x4, chứng minh nhân dân photo, sau một ngày là có ngay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ các loại A, B,C tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Trong khi bình thường, học để thi lấy một chứng chỉ ngoại ngữ cũng phải tốn ít nhất từ một tháng trở lên.
Câu hỏi đặt ra là tổ chức nào đứng sau việc cấp chứng chỉ này? Đặt câu hỏi với nhân viên tên Linh thì chúng tôi nhận được cái nhìn ái ngại cùng với một caais tên nào đó bằng tiếng Anh. Khi thắc mắc về giá trị và độ an toàn của chứng chỉ, nhân viên tên Linh này cam đoan rằng:
Băng: Không, phát hiện thế nào được, bên chị làm là phải tử tế. Chị làm bao nhiêu người sao phát hiện thế nào. Phát hiện từ lúc mà không được làm em hiểu không, còn trung tâm tôi làm tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng.
Cách trung tâm Công ty trách nhiệm hữu hạn giáo dục Hồng Đức khoảng 100m, một người tên Thùy, không biết có phải là nhân viên của trung tâm này hay không cũng mời chào chúng tôi, vừa nhanh nhẹn cho chúng tôi xem vài mẫu chứng chỉ vừa phân tích sự khác biệt của nó:
Băng: Để cô giải thích cho cháu nghe nhé, đọc lại cái này đi giấy phép kinh doanh của nó nhá, nó nằm trong ngoại ngữ này. Đây, thành phố Hà Nội, theo chương trình đạo tạo của Đại học Quốc gia,của sở giáo dục đào tạo. Nó khác cái kia nhiều, cái này đắt hơn 300 nghìn 2 cái, cái kia 2 trăm rưỡi 2 cái.
Không riêng gì ở khu vực gần Đại học Quốc gia, thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở khu vực gần các trường đại học lớn khác như Đại học Bách Khoa, Đại học Xây Dựng, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Cùng với đó trên các trang mạng, diễn đàn cũng xuất hiện những lời chào mời nhận làm chứng chỉ tràn lan. Như các trang Chobacgiang.vn; diendan.eva.vn; ketnooi.com; ngoaingutinhocabc; chodientu.vn… Ngoài ra trên trang mạng xã hội facebook cũng tràn ngập những lời mời chào, trao đổi mua bán khá nhộn nhịp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ quan, các nhà tuyển dụng đều có yêu cầu đối với sinh viên khi nộp hồ sơ xin việc phải có hàng chục kỹ năng đến trình độ tin học, ngoại ngữ. Để giải quyết cho công việc, tránh phải thi cử lắm phiền toái, nhiều sinh viên đã lựa chọn phương cách đi mua. Bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ 4 của một trường đại học ở Hà Nội nói:
Băng: Sinh viên năm cuối bọn mình thường hay đi mua chứng chỉ. Vì nó không mất thời gian để đi học, chỉ cần một ngày là bạn có thể lấy được chứng chỉ rồi. Với cả là chỉ mất từ 150 nghìn đến 200 đỡ tốn tiền so với chi phí đi học.
Và điều đáng lo ngại là những người đi mua chứng chỉ coi đây là hành động bình thường. Ngay cả một người sắp lấy bằng cao học như chị Trần Thanh Tuyền cũng nói như thế này:
Băng: Theo tôi thấy thì chuyện này rất là phổ biến, người ta có nhu cầu muốn mua thì sẽ có người làm giả. Nhiều người người ta không có điều kiện, không có thời gian hoặc một lý do nào đấy không có được chứng chỉ thì người ta bỏ tiền ra mua thôi.
Dẫn cuối: Thưa quý vị và các bạn, theo nhu cầu của xã hội, các trung tâm tin học, ngoại ngữ ngày càng nhiều, có cầu ắt có cung nên chuyện mua bán chứng chỉ vẫn ngấm ngầm diễn ra  dù cơ quan chức năng như Sở giáo dục và đào tạo các địa phương, cơ quan công an và chính quyền địa phương vào cuộc. Và điều đáng lo ngại ở chỗ mua chứng chỉ đã là sai nhưng các chứng chỉ đó cũng có thể là chứng chỉ ma, tức là chứng chỉ của các đơn vị đào tạo trái phép. Và điểm đáng lo hơn nữa chính là tâm lý chấp nhận và coi là việc bình thường của người mua chứng chỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét