Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Viết cho buổi làm việc cuối trong tuần

Ngày 18/4/2015

Vào những ngày cuối tuần, hiệu suất làm việc của tôi sụt hẳn. Đôi khi nghiêm túc để tìm kiếm lý do cho vấn đề này lại thực sự chẳng tìm ra bất kì cái cớ nào để thoái thác. Đơn giản chỉ là cảm thấy mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi cho thoải mái.

Nhưng công việc hiện tại không cho phép tôi có thể như vậy. Chính vì thế tôi cần tìm một công việc khác, tốt hơn hiện tại, khiến tôi đam mê hơn và đặc biệt được nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật.
Thật khó đúng không? Nhưng tôi sẽ cố gắng!

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

XIN ĐỪNG ĐỤNG VÀO CÂY…

Đi qua một con đường Hà Nội, bỗng người lái xe hỏi: Anh ơi, sao con đường trống trải thế? Thì ra, rất nhiều cây lớn bên đường đã bị đốn. Chúng tôi quan sát, thấy nhiều cây bị đánh dấu nhân (X) để đốn tiếp. Rồi thấy những xe cẩu đưa người lên ngọn cây để cưa cành cao, rồi hạ xuống cưa cành thấp… rồi cưa luôn gốc cây. Tôi lặng người, biết đây là cả một phong trào đốn cây của Hà Nội văn hiến, Hà Nội xanh sạch đẹp, Hà Nội hào hoa…

Xin đừng giết tôi!

“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng” -
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

“Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!” – Câu thơ Bằng Việt dịch Olga Bergoltz bỗng vọng lại một điều gì chua xót chưa từng thấy.

Tôi nhớ những tấm biển treo trên cây dọc những con đường Nga: “Coi chừng, lá rụng!”. Là nói cho hình ảnh vậy, thực ra, đó là một lời nhắc nhở con người hãy tôn trọng cây xanh, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà lịch lãm biết bao. Và nhà thơ Bằng Việt thêm một lần xúc động trước lời nhắc ấy khi dịch Olga, và anh đã biến nó thành một lời khẫn cầu nhẹ nhàng mà thống thiết: “Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”.

Hình như những người đốn cây Hà Nội, những người quyết định đốn cây Hà Nội đã không biết bài thơ đó? Hình như họ không yêu cây cũng chẳng yêu thơ, nên đã đốn từ cây già đến cây trẻ, đốn từ đường rậm sang đường quang, họ đốn không thương tiếc.
“Xin đừng giết tôi!”…

May sao, vẫn còn những cô cậu trẻ măng tâm hồn đầy nhạy cảm đã biết nhắc nhở cô chú ông bà: “Tôi đang khỏe mạnh, xin đừng giết tôi!”. Nếu Olga sống lại và tới Việt Nam giữa mùa đốn cây này, chắc chị không thể viết thành thơ, vì nỗi sợ hãi đã giết hết cảm xúc của nhà thơ.

May sao, bài thơ chị viết bên nước Nga cách đây gần tám mươi năm vẫn còn sống với người Việt chúng tôi khi những đường cây đang bị đốn hạ, và hôm nay, nhờ những kẻ đốn cây mà tôi bỗng nhớ lại và muốn đăng lên cho mọi người cùng đọc. Biết đâu anh Thảo và những kẻ đốn cây Hà Nội tình cờ đọc được bài thơ này, và họ bỗng hồi tâm…

MÙA LÁ RỤNG
(Thơ Olga Berggoltz – Bằng Việt dịch)

Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: “Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng” –
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh – con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi đơn độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi
Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá…
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!…
Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Và bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:
“Xin đừng động vào cây,
mùa lá rụng…”
1938

Theo Nguyễn Trọng Tạo

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Đừng bỏ rơi những người hùng

Những ngày qua cái tên Hoàng Thị Nguyệt đang gây nên một cơn bão dư luận khi dám đứng ra tố cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội.

Khâm phục sự dũng cảm đó của các chị, lãnh đạo sở Y tế Hà Nội tiến hành khen thưởng cho chị Nguyệt và 2 cộng sự của chị. Phần thưởng là bằng khen và số tiền thưởng 320.000 đồng mỗi người. Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: “Đây là phần thưởng ghi nhận sự dũng cảm, không đặt vấn đề tiền”.

Tuy nhiên nhiều người tỏ ra bức xúc khi số tiền thưởng là quá ít ỏi. 960.000 đồng cho hành động dũng cảm của các chị. Dẫu biết hàng động đó không xuất phát vì tiền, nhưng cách cho và số tiền thưởng đó lại là vấn đề đáng bàn.

Buổi lễ trao thưởng không hoa, không quà, không có những nụ cười mà chỉ có những giọt nước mắt. Một phần nào cũng thể hiện được thái độ, tình cảm của con người với nhau. Lẽ nào hành động của các chị là sai, là đáng phê phán. Trong khi đó, thử so sánh với những lần vinh danh khác mới thấy khập khiễng vô cùng. Đầu tháng Tám, khán giả yêu thể thao cả nước rất quan tâm tới sự kiện, HLV Trần Bình Sự lấy tiền túi của mình thưởng “nóng” cho các cầu thủ 100 triệu đồng khi đội bóng đá Đồng Nai thắng Thanh Hoá ở tứ kết Cup Quốc gia. Hay mới đây nhất, sáng 15/8, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã trao bằng khen đột xuất của UBND TP và số tiền thưởng 10 triệu đồng cho tập thể Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) và thượng tá Lê Văn Lương - Trưởng phòng PC47 tham gia triệt phá ma túy đêm 8/8. Đây là phần thưởng cho những thành tích, hành động dũng cảm.

Thử nhìn lại những con người đã từng lên tiếng vạch trần những vụ việc tiêu cực như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, em học sinh quay lại clip tiêu cực ở Bắc Giang… Số phận của họ sau khi tố giác các vụ việc tiêu cực như thế nào?

Thiết nghĩ chúng ta phải cần trân trọng những hành động dũng cảm của chị Hoàng Thị Nguyệt, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, em học sinh ở Bắc Giang…. Họ tố cáo tiêu cực thì khác gì vạch áo cho người xem lưng. Ở đời chẳng ai muốn đưa cái xấu ra ngoài cộng đồng để trở thành chủ đề để xâu xé, chỉ trích.

Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý khéo léo để những người chống tiêu cực không bị đẩy vào bước đường cùng.

Không học, không thi nhưng vẫn có chứng chỉ.

Dẫn đầu: Thưa quý vị và các bạn! Câu chuyện mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để làm đẹp hồ sơ xin việc đã từng được phản ánh trên báo chí. Và cho đến thời điểm này, tình trạng này vẫn diễn ra. Các sinh viên ra trường, người tìm việc, vẫn có thể không mấy khó khăn để kiếm được một chứng chỉ ngành nghề mà không quá tốn kém, không mất nhiều thời gian. Vẫn biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khong ít tân cử nhân vẫn có tâm lý coi việc mua chứng chỉ là việc không có gì to tát. Phóng sự của CTV Lương Vững tại Hà Nội:
###Trong vai những sinh viên sắp ra trường có nhu cầu mua các loại chứng chỉ tin học, tiếng anh, chúng tôi tìm đến các trung tâm tin học, ngoại ngữ gần trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Khu vực này thường được nhiều người biết đến là một trong những chợ chứng chỉ có tiếng ở Hà Nội. Dạo quanh một vòng nhưng chúng tôi chẳng thấy bất kỳ một trung tâm hay địa chỉ nào làm chứng chỉ. Mạnh dạn hơn, chúng tôi bước vào một trung tâm có tên Công ty trách nhiệm hữu hạn giáo dục Hồng Đức. Trên tấm biển quảng cáo của công ty này có ghi rõ chuyên cung cấp dịch vụ gia sư, luyện thi đại học, tư vấn dạy miễn phí, tuyển sinh. Thế nhưng khi chúng tôi bày tỏ muốn mua chứng chỉ tiếng anh lẫn tin học vì mình sắp ra trường. Nhân viên tư vấn tên là Linh, nhanh nhảu tư vấn:
Băng: 200 nghìn một cái cả anh và tin. Nếu em làm hai cái thì là 300 nghìn. Em nộp cho chị hai ảnh 3x4 và một chứng minh thư photo.
Theo tìm hiểu giá của một chứng chỉ này từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Cũng theo lời tư vấn của nhân viên tên Linh, chỉ cần có hai ảnh 3x4, chứng minh nhân dân photo, sau một ngày là có ngay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ các loại A, B,C tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Trong khi bình thường, học để thi lấy một chứng chỉ ngoại ngữ cũng phải tốn ít nhất từ một tháng trở lên.
Câu hỏi đặt ra là tổ chức nào đứng sau việc cấp chứng chỉ này? Đặt câu hỏi với nhân viên tên Linh thì chúng tôi nhận được cái nhìn ái ngại cùng với một caais tên nào đó bằng tiếng Anh. Khi thắc mắc về giá trị và độ an toàn của chứng chỉ, nhân viên tên Linh này cam đoan rằng:
Băng: Không, phát hiện thế nào được, bên chị làm là phải tử tế. Chị làm bao nhiêu người sao phát hiện thế nào. Phát hiện từ lúc mà không được làm em hiểu không, còn trung tâm tôi làm tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng.
Cách trung tâm Công ty trách nhiệm hữu hạn giáo dục Hồng Đức khoảng 100m, một người tên Thùy, không biết có phải là nhân viên của trung tâm này hay không cũng mời chào chúng tôi, vừa nhanh nhẹn cho chúng tôi xem vài mẫu chứng chỉ vừa phân tích sự khác biệt của nó:
Băng: Để cô giải thích cho cháu nghe nhé, đọc lại cái này đi giấy phép kinh doanh của nó nhá, nó nằm trong ngoại ngữ này. Đây, thành phố Hà Nội, theo chương trình đạo tạo của Đại học Quốc gia,của sở giáo dục đào tạo. Nó khác cái kia nhiều, cái này đắt hơn 300 nghìn 2 cái, cái kia 2 trăm rưỡi 2 cái.
Không riêng gì ở khu vực gần Đại học Quốc gia, thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở khu vực gần các trường đại học lớn khác như Đại học Bách Khoa, Đại học Xây Dựng, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Cùng với đó trên các trang mạng, diễn đàn cũng xuất hiện những lời chào mời nhận làm chứng chỉ tràn lan. Như các trang Chobacgiang.vn; diendan.eva.vn; ketnooi.com; ngoaingutinhocabc; chodientu.vn… Ngoài ra trên trang mạng xã hội facebook cũng tràn ngập những lời mời chào, trao đổi mua bán khá nhộn nhịp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ quan, các nhà tuyển dụng đều có yêu cầu đối với sinh viên khi nộp hồ sơ xin việc phải có hàng chục kỹ năng đến trình độ tin học, ngoại ngữ. Để giải quyết cho công việc, tránh phải thi cử lắm phiền toái, nhiều sinh viên đã lựa chọn phương cách đi mua. Bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ 4 của một trường đại học ở Hà Nội nói:
Băng: Sinh viên năm cuối bọn mình thường hay đi mua chứng chỉ. Vì nó không mất thời gian để đi học, chỉ cần một ngày là bạn có thể lấy được chứng chỉ rồi. Với cả là chỉ mất từ 150 nghìn đến 200 đỡ tốn tiền so với chi phí đi học.
Và điều đáng lo ngại là những người đi mua chứng chỉ coi đây là hành động bình thường. Ngay cả một người sắp lấy bằng cao học như chị Trần Thanh Tuyền cũng nói như thế này:
Băng: Theo tôi thấy thì chuyện này rất là phổ biến, người ta có nhu cầu muốn mua thì sẽ có người làm giả. Nhiều người người ta không có điều kiện, không có thời gian hoặc một lý do nào đấy không có được chứng chỉ thì người ta bỏ tiền ra mua thôi.
Dẫn cuối: Thưa quý vị và các bạn, theo nhu cầu của xã hội, các trung tâm tin học, ngoại ngữ ngày càng nhiều, có cầu ắt có cung nên chuyện mua bán chứng chỉ vẫn ngấm ngầm diễn ra  dù cơ quan chức năng như Sở giáo dục và đào tạo các địa phương, cơ quan công an và chính quyền địa phương vào cuộc. Và điều đáng lo ngại ở chỗ mua chứng chỉ đã là sai nhưng các chứng chỉ đó cũng có thể là chứng chỉ ma, tức là chứng chỉ của các đơn vị đào tạo trái phép. Và điểm đáng lo hơn nữa chính là tâm lý chấp nhận và coi là việc bình thường của người mua chứng chỉ.